TPP chết, lương nhân công tăng, dệt may tìm “lối đi” mới từ Cách mạng 4.0

Thursday, 20/07/2017, 15:19 GMT+7

Hiện nay, ngành Dệt may Việt Nam đã và đang đứng trước những thách thức lớn, trong đó có ảnh hưởng từ sự “thoái trào” của TPP và chi phí nhân công. Trong bối cảnh thế giới đang chạy đua với cuộc cách mạng 4.0, ngành Dệt may Việt cũng cần thay đổi mình.

“Hụt hẫng” với TPP và áp lực từ chi phí nhân công

Tại ĐHĐCĐ thường niên của Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) diễn ra đầu tháng 5, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinatex đã nêu ra những thực tiễn ngành dệt may Việt Nam gặp phải trong năm 2016 và thời gian tới.

Trong đó, ông Giang đã đề cập đến việc hiệp định thương mại TPP bị kéo dài và tin Mỹ chính thức rút khỏi TPP sau khi bầu Tổng thống mới đã tạo một “cú sốc” cho những nước sẽ được hưởng lợi từ TPP trong đó có Việt Nam. Việc này khiến các dự án đầu tư trọng điểm, cốt lõi của ngành dệt may Việt Nam bị tạm dừng, đặc biệt các dự án FDI đã dừng toàn bộ, ảnh hưởng tiêu cực đến toàn ngành. Được biết, Mỹ là một trong 2 thị trường quan trọng nhất trong khối đàm phán TPP, chiếm hơn 40% kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam, thiếu vắng Mỹ, TPP sẽ không còn nhiều ý nghĩa.

Một vấn đề khác mà Ngành dệt may phải đối mặt đó là chi phí, tiền lương nhân công. Năm 2016, tiền lương tối thiểu của công nhân dệt may tăng 13%, khiến chi phí đầu vào gia tăng đã tạo áp lực tiêu cực đến toàn ngành.

Theo thống kê tại một số một số doanh nghiệp may mặc hàng đầu Việt Nam như: Việt Tiến, May 10, May Nhà Bè hay Vinatex… thu nhập của công nhân đã cao hơn, trung bình từ 6 triệu đồng/tháng trở lên. Điển hình như May 10 và Vinatex cũng đang cạnh tranh về mức thu nhập hàng tháng cho công nhân, với lần lượt 6,7 và 6,3 triệu đồng/tháng.

Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động là kẽ hở cho vấn đề ổn định lao động, họ nghỉ lấy lương thất nghiệp sau đó đi làm việc khác, khiến diễn biến lao động rất phức tạp đặc biệt trong ngành dệt may.

Bên cạnh đó, mức độ cạnh tranh lương giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI cũng là một vấn đề lớn. Các doanh nghiệp FDI không phải đầu tư đào tạo người lao động, trả lương 7-8 triệu như Samsung, trong khi các doanh nghiệp dệt may trong nước không thể trả mức lương như trên bởi mặt bằng lương khu vực dệt may Việt Nam chỉ trong khoảng 6,5-7 triệu đồng.

Năm 2017, dự kiến chi phí nhân công tiếp tục là vấn đề khó khăn khi Hội đồng Tiền lương Quốc gia nâng mức lương tối thiểu vùng bình quân 7,3% so với năm 2016, việc này đã nhận được không ít ý kiến lo ngại của các doanh nghiệp dệt may.

Riêng đối với Tập đoàn dệt may Việt Nam ông Lê Tiến Trường – Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, Hội đồng tiền lương của tập đoàn vừa qua đã phê duyệt phương án tăng 13% tiền lương năm 2017. Đây vẫn luôn là vấn đề đau đầu của ngành dệt may trong các năm gần đây.

Trong khi đó, phía bên cầu, khách hàng lại đang tạo áp lực về mặt giá thành. Tỷ lệ tăng giá trên sản phẩm rất nhỏ nhưng tỷ lệ giảm giá rất cao, khả năng đối phó của ngành với tình hình phát triển chung đang gặp điểm nghẽn. Với cơ chế chi phí đầu vào tăng như hiện tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ của ngành dệt may nếu không có những cơ chế đột phá rất dễ phải đóng cửa.

Công nghệ 4.0 - cơ hội và thách thức của ngành dệt may

Ở thời điểm hiện tại, cả thế giới đang bắt đầu chạy đua vào cuộc Cách mạng công nghệ 4.0- thứ được xem là sẽ làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất và thương mại trên toàn thế giới. Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là việc áp dụng kết nối các công nghệ máy móc vào hoạt động sản xuất kinh doanh và quy trình bên trong.

Sự trỗi dậy của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ tác động đến tất cả các ngành sản xuất, ở tất các lĩnh vực, trong đó có ngành dệt may.

Ông Lê Tiến Trường- Tổng Giám đốc Vinatex từng cho biết, với ngành sử dụng nhiều lao động đơn giản như dệt may thì việc áp dụng công nghiệp 4.0 sẽ rất quan trọng với nhiều cơ hội mới nếu sớm được triển khai sâu rộng. Việc áp dụng tự động hóa, robot và sử dụng các dữ liệu lớn có khả năng tăng năng suất theo cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng.

Việc sử dụng công nghệ mới sẽ giúp cho năng suất lao động tăng và sử dụng ít lao động hơn, nhờ đó khoảng cách về chi phí lao động trong một sản phẩm giữa các quốc gia đang phát triển và phát triển sẽ ngày càng hẹp lại.

Tại Việt Nam, tổ chức Lao động Thế giới đã đưa ra số liệu dự báo, máy móc công nghệ có thể thay thế 86% lao động của ngành dệt may đứng trước nguy cơ thất nghiệp trong tương lai. Việc áp dụng công nghệ vào các khâu sản xuất sẽ khiến thu hẹp được nhân công, tiết kiệm chi phí sản xuất.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý một điểm, việc áp dụng công nghệ vào sản xuất cơ bản chỉ bước đầu được áp dụng một số khâu chuyên biệt và các mặt hàng với kỹ thuật đơn giản, sản phẩm phổ thông. Đây cũng chính là dòng sản phẩm dễ bị cạnh tranh và chuyển sang các nước khác do chi phí thấp hơn.

Đối với các mặt hàng đòi hỏi kỹ thuật cao thì vẫn cần thợ giỏi, đặc biệt là trong khâu thiết kế. Đây chính là điều Việt Nam đang sở hữu và có lợi thế cạnh tranh. Điều này cũng đồng nghĩa cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hay robot chưa chắc có thể thay thế được hoàn toàn người lao động.

Từ đây có thể thấy, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là một cơ hội cho sự chuyển mình của ngành công nghiệp dệt may, tuy nhiên cùng với đó cũng tiềm ẩn những thách thức không nhỏ trong vấn đề đầu tư, tái cơ cấu và lao động. Việc lựa chọn hướng đi nào sẽ phụ thuộc vào cách mỗi doanh nghiệp tiếp cận với với công nghệ và xác định rõ tiềm lực bản thân doanh nghiệp để lựa chọn đường đi hiệu quả nhất.

>>Cách mạng 4.0 trong mắt người Việt Nam ra sao?

Theo Phan Tùng

Người đồng hành

News Focus
bocongthuong
Tax code: 0302456494 .
Representer  : Mr. NGUYEN NHAC SANH      Position : Director