Tham gia CPTPP, doanh nghiệp xuất khẩu được tự chứng nhận xuất xứ

Friday, 03/08/2018, 07:38 GMT+7

BizLIVE - Đại diện Bộ Công Thương nhận định khi 2 hiệp định lớn là CPTPP và EVFTA có hiệu lực thì sẽ tạo sự tăng trưởng đột biến hơn về kim ngạch xuất khẩu đối với ngành dệt may.

 

_g5g0299_101327194_eryn_apbs

Ngày 2-8 tại TP.HCM, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đã tổ chức Hội thảo “Hiệp định CPTPP - EVFTA - những tác động đối với ngành dệt may Việt Nam”.

Ông Vương Đức Anh, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, cho hay dù quy tắc xuất xứ chủ đạo trong CPTPP là “từ sợi trở đi” và “từ vải trở đi” nhưng vẫn có các danh mục linh hoạt để đảm bảo hàng hoá được hưởng thuế suất ưu đãi ở mức tốt nhất.

Chẳng hạn, trong CPTPP có 3 nhóm hàng được áp dụng quy tắc cắt may, không bắt buộc phải có nguyên liệu là vải hay sợi ở nước sở tại, gồm: vali, túi xách; áo ngực phụ nữ và quần áo trẻ em bằng sợi tổng hợp.

Ngoài ra, với danh mục nguồn cung thiếu hụt, có 187 loại vải, sợi không có sẵn trong khu vực CPTPP có thể nhập khẩu từ ngoài khối, sau đó cắt may/khâu thành thành phẩm tại một nước thành viên CPTPP, xuất sang các nước CPTPP vẫn được hưởng thuế suất ưu đãi theo CPTPP. Quy tắc này được áp dụng cho đầu ra là một số sản phẩm như áo bơi, sơ mi nam chất lượng cao, quần áo trẻ em, áo len chui đầu sợi acrylic, váy nữ, áo khoác có tráng phủ sử dụng để leo núi…

Đặc biệt, về chứng nhận xuất xứ, phía Việt Nam được áp dụng song hành 2 phương pháp trong 10 năm, đó là thông qua tổ chức cấp C/O truyền thống hoặc nhà xuất khẩu đủ điều kiện tự chứng nhận. Việc này nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp xuất khẩu, phù hợp với chủ trương của Chính phủ là cắt giảm dần các thủ tục kinh doanh rườm rà.

“Khi chưa có 2 hiệp định CPTPP và EVFTA, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đã tăng trưởng rất ấn tượng, xấp xỉ 10%. Khi 2 hiệp định lớn có hiệu lực sẽ tạo sự tăng trưởng đột biến hơn về kim ngạch xuất khẩu đối với ngành dệt may” – đại diện Bộ Công Thương kỳ vọng.

Liên quan đến việc một số nước như Thái Lan, Ấn Độ muốn tham gia CPTPP, ông Đức Anh cho rằng tình hình sẽ không xấu đi mà thậm chí còn tăng thêm lợi ích cho Việt Nam khi có thể mở rộng nguồn cung cấp nguyên, phụ liệu theo quy tắc “nguồn cung thiếu hụt”.

Theo số liệu của VITAS, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 16,5 tỷ USD, tăng 16,49% so với cùng kỳ, cao hơn so với tốc độ tăng 10,43% của cùng kỳ năm 2017. Với diễn biến mới từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung theo hướng có lợi cho hàng hoá Việt Nam, dự kiến xuất khẩu dệt may 6 tháng cuối năm sẽ đạt 18,5 tỷ USD, nâng kim ngạch cả năm đạt 35 tỷ USD, vượt 1 tỷ USD so với kế hoạch.

Về thị trường, các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, các nước trong CPTPP, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN đều tăng mạnh với các mặt hàng có sự bứt phá như vải, áo thun, váy, áo jacket…

HOÀI PHƯƠNG

News Focus
bocongthuong
Tax code: 0302456494 .
Representer  : Mr. NGUYEN NHAC SANH      Position : Director