Trong điều kiện chất lượng thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) ở doanh nghiệp (DN) chưa đi vào chiều sâu thực chất thì việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT ngành, nhóm DN được xem là giải pháp hữu hiệu để xác lập một số tiêu chuẩn và điều kiện lao động mới để bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, đến nay kết quả thực hiện thương lượng, ký kết TƯLĐTT ngành, nhóm DN vẫn bộc lộ nhiều hạn chế.
Thỏa thuận chỉ ở mức sàn
Ông Lê Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), cho biết điều kiện để thương lượng và ký kết TƯLĐTT ngành là phải có tổ chức đại diện NLĐ và tổ chức đại diện người sử dụng lao động (NSDLĐ). Năm 2010, xét thấy ngành dệt may Việt Nam hội đủ 2 yếu tố trên nên Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ LĐ-TB-XH đã lựa chọn ngành này để thí điểm triển khai thương lượng, ký kết TƯLĐTT ngành.
Theo đó, nội dung đưa ra thương lượng tập thể ngành dệt may tập trung vào việc bảo đảm việc làm, mức lương thấp nhất, thang lương, bảng lương, tiền lương bình quân của NLĐ, tiền thưởng, bữa ăn giữa ca, thời giờ làm thêm và các chế độ phúc lợi… Kết quả sau nhiều lần thương lượng, TƯLĐTT ngành dệt may Việt Nam đã được ký kết lần đầu vào tháng 4-2010 với 69 DN tham gia cùng 90.206 lao động. Đến nay, TƯLĐTT ngành dệt may Việt Nam đã được ký kết lần thứ 4 gồm 81 DN (116.833 lao động) tham gia.
Thỏa ước lao động tập thể ngành, nhóm doanh nghiệp được thực hiện thực chất sẽ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động
Từ kết quả của TƯLĐTT ngành dệt may trung ương, sau đó tại Bình Dương và Hà Nội cũng đã triển khai ký kết TƯLĐTT ngành dệt may. Theo đó, TƯLĐTT ngành dệt may tỉnh Bình Dương được ký lần đầu vào tháng 11-2011 với 13 DN tham gia. Đến tháng 7-2017, TƯLĐTT ngành dệt may tại Hà Nội được ký kết với 33 DN tham gia. "Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của vấn đề và được triển khai lần đầu nên các thỏa thuận đạt được chỉ mang tính nguyên tắc như áp dụng mức lương tối thiểu, xây dựng thang bảng lương, các khoản phụ cấp lương, danh mục chi cho NLĐ từ quỹ phúc lợi" - ông Thành chia sẻ.
Cùng với việc ký kết TƯLĐTT ngành, từ năm 2014, ở một số địa phương cũng đã tiến hành thực hiện thương lượng và ký kết TƯLĐTT nhóm DN, gồm: nhóm 5 DN sản xuất lắp ráp điện tử ở Hải Phòng, nhóm 4 DN du lịch, dịch vụ ở Đà Nẵng, nhóm 4 DN dệt may ở quận 12 (TP HCM), nhóm 35 DN ngành cao su, nhóm 20 DN ngành du lịch, dịch vụ tại TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh). Trong số này, bên cạnh một số nhóm DN có nội dung TƯLĐTT với nhiều điều khoản tiến bộ, có lợi hơn cho NLĐ so với quy định pháp luật, vẫn còn những bản TƯLĐTT xây dựng rất chung chung, mang tính nguyên tắc, các thỏa thuận đạt được chỉ ở mức sàn nên chưa mang lại hiệu quả thiết thực trong thực tiễn.
Quy trình thương lượng, ký kết còn phức tạp
Theo đánh giá của Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, việc triển khai TƯLĐTT ngành, nhóm DN đã bước đầu xác lập được mặt bằng về tiêu chuẩn lao động mới có lợi hơn cho NLĐ; góp phần hài hòa quan hệ lao động tại DN, đồng thời nâng cao vị thế của Công đoàn (CĐ), nhất là CĐ cơ sở và CĐ ngành, trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ. Tuy nhiên, theo đánh giá, số đơn vị tham gia TƯLĐTT ngành, nhóm DN hiện nay còn rất ít so với số DN toàn ngành hoặc với số DN hoạt động trên cùng một địa bàn có tính chất ngành nghề giống nhau. Bên cạnh đó, xu hướng DN tham gia ngày càng giảm, chưa tạo được sự lan tỏa cho các DN khác trong cùng một ngành, lĩnh vực. Đồng thời, các chỉ tiêu đạt được trong TƯLĐTT ngành còn thấp so với mức bình quân đạt được của các DN tham gia thỏa ước ngành.
Phân tích nguyên nhân, ông Đặng Thanh Vân, Chủ tịch CĐ ngành Dệt may tỉnh Bình Dương, cho rằng do TƯLĐTT ngành, nhóm DN còn khá mới mẻ và lạ lẫm đối với cả DN lẫn tổ chức CĐ và NLĐ. Mặt khác, thời gian qua, điều kiện sản xuất kinh doanh của các DN, đặc biệt là ngành dệt may, gặp nhiều khó khăn, trong khi một số nội dung, chỉ tiêu trong thỏa ước ngành đưa ra khá cao so với khả năng đáp ứng của DN dẫn đến việc họ không mặn mà tham gia. Còn theo ông Phan Thanh Tùng, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận 12, TP HCM, chia sẻ: Quy trình thương lượng, ký kết TƯLĐTT nhóm DN khá phức tạp, được thực hiện bởi một bên là tổ chức CĐ cấp trên cùng với các CĐ cơ sở đại diện cho NLĐ và một bên là các chủ DN đại diện cho NSDLĐ. Do không có tổ chức đại diện NSDLĐ làm đầu mối nên khi thực hiện, tổ chức CĐ phải thương lượng với từng DN, sau đó mới thương lượng chung nên mất khá nhiều thời gian. Thực tế này khiến hiệu quả thương lượng không cao và rất khó triển khai thực hiện trong bối cảnh có quá nhiều DN tham gia. "Bên cạnh đó, tác động của TƯLĐTT ngành, nhóm DN đến quan hệ lao động của các DN tham gia thỏa ước còn hạn chế và chưa trở thành nhu cầu thực sự của DN nên họ còn dè dặt trong việc tham gia" - ông Tùng cho biết.
Ông LÊ XUÂN THÀNH, Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ LĐ-TB-XH
Khuyến khích các hiệp hội tham gia thỏa ước
Hiện đã có nhiều tổ chức đại diện NLĐ và NSDLĐ thuộc các ngành nghề khác nhau được thành lập, song nhu cầu thương lượng để giải quyết các vấn đề về quan hệ lao động giữa các bên chưa trở thành nhu cầu tự nguyện. Do vậy, các tổ chức CĐ cần nâng cao vai trò trách nhiệm, chủ động đề xuất với tổ chức đại diện NSDLĐ tiến hành thương lượng, ký kết TƯLĐTT ngành ở một số ngành như vận tải đường sắt, xây dựng, giày da... Đồng thời, nhà nước cần sớm cụ thể hóa trách nhiệm của các bên, kể cả cơ quan quản lý nhà nước về lao động trong việc thương lượng, ký kết thỏa ước; khuyến khích, động viên các hiệp hội, DN tham gia thỏa ước một cách tích cực, hiệu quả hơn.