Gánh nặng của ngành dệt may

Thursday, 15/09/2016, 10:49 GMT+7

DN dệt may đang đứng ngồi không yên bởi gánh nặng bảo hiểm và các chế độ cho người lao động. Bài toán về hài hòa lợi ích giữa đảm bảo quyền lợi người lao động và phát triển DN dường như đang có những sai số, tác động xấu đến cả nền kinh tế.

ganh_nang_cua_nghe_det_may

Nhiều DN dệt may không khỏi hoang mang nếu chính sách BHXH mới có hiệu lực thì sẽ phải sa thải bớt bao nhiêu công nhân, hay giảm các phụ cấp để bù đắp chi phí BHXH?

Hiệp hội dệt may Việt Nam vừa đưa ra nhiều kiến nghị về sửa đổi các quy định liên quan đến bảo đảm quyền lợi của người lao động. Theo quan điểm chung, Hiệp hội ủng hộ các chính sách phát triển bền vững, bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Tuy nhiên, nếu chính sách vượt quá sức chịu đựng của DN thì sẽ suy giảm sức cạnh tranh của DN, thậm chí khiến DN ngày càng thui chột dẫn đến phá sản. Điều này sẽ có hại cho cả người lao động, DN và nền kinh tế.

Đóng bảo hiểm cao không chỉ có hại DN

Theo Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), mức đóng bảo hiểm xã hội gồm (BH hưu trí, BH y tế, BH thất nghiệp) tại Việt Nam đang cao nhất khu vực ASEAN, khi lên tới 32,5% mức lương tháng. Hiện tại DN phải nộp tổng cộng 22% (18% BH hưu trí, 3% BH y tế, 1% BH thất nghiệp). NLĐ phải nộp 10,5% (8% BH hưu trí, 1,5% BH y tế, 1% BH thất nghiệp), chưa kể 3% phí công đoàn. Trong khi đó, cùng khu vực, Malaysia chỉ phải đóng BHXH chiếm 13% lương tháng, Philippines là 10%, Indonesia 8%, còn Thái Lan 5%….

Ông Bùi Đức Thịnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sông Hồng cho biết, việc tăng lương tối thiểu đối với DN dệt may đều không phải là vấn đề. Bởi vì, hầu hết các DN đang trả lương cho công nhân cao hơn nhiều mức đó. Tuy nhiên, những chi phí về bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… mới là gánh nặng khủng khiếp đối với các DN.

Mặc dù đã được giãn lộ trình, từ 1/1/2018 trở đi, theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014, DN mới phải đóng BHXH dựa trên tổng thu nhập của người lao động thay vì chỉ căn cứ trên lương cơ bản hoặc lương tối thiểu vùng như Luật cũ. Nhưng điều này sẽ khiến chi phí của các DN tăng rất cao. Ông Thịnh nhẩm tính, 1 năm DN của mình lãi khoảng 200 tỷ đồng. Nhưng nếu đến năm 2018, cách tính bảo hiểm như luật định sẽ khiến mỗi năm chi phí của DN tăng lên 285 tỷ đồng.

Đại diện Bộ LĐ-TB-XH, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cũng đồng cảm, với các khoản đóng BHXH 32,5% lương, cộng thêm phí công đoàn, đã tác động lớn tới chi phí đầu vào của DN. Theo đúng quy định của Luật BHXH 2014, từ 01/1/2018, DN và người lao động phải đóng theo lương cộng thêm các khoản phụ cấp, khiến tăng chi phí DN tăng đáng kể. Điều này đồng nghĩa với xu hướng tất yếu là làm giảm khả năng cạnh tranh của DN. Chính vì vậy, theo ông Huân, có thể một số DN vẫn chịu được nhưng vẫn phải theo dõi. Nếu nhiều DN chưa thể đáp ứng được thì lộ trình sẽ phải lùi lại.

Nhiều DN dệt may không khỏi hoang mang nếu chính sách BHXH mới có hiệu lực thì sẽ phải sa thải bớt bao nhiêu công nhân, hay giảm các phụ cấp để bù đắp chi phí BHXH? Thực tế, với không ít DN, chi phí lương gắn liền với chi phí đóng BHXH và sẽ không thể tăng được nữa. Vậy thì cách thức duy nhất chỉ còn là co kéo vào chính lương của công nhân. Chi phí BHXH tăng lên thì lương công nhân sẽ phải giảm đi. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều người làm việc có năng lực sẽ chuyển sang tìm công việc khác và DN mất người.

Và nhiều khó khăn khác

Cái vòng luẩn quẩn từ BHXH đến lương người lao động cứ quanh đi rồi quay lại. Với những ngành thu hút nhiều lao động như dệt may, da giày… thì vai trò chính hiện nay là giải quyết công ăn việc làm cho nền kinh tế. Ông Trương Văn Cẩm -Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, câu chuyện về mức đóng BHXH, phí công đoàn của DN quá cao đã nói rất nhiều. Hiệp hội Dệt May Việt Nam cũng chỉ là một khu vực chịu tác động bởi các chính sách này. Những kiến nghị của Hiệp hội Dệt May VN cũng chỉ là đại diện cho nhóm những DN đang sử dụng nhiều lao động và phải chịu tác động mạnh mẽ của quá trình hội nhập.

Theo kiến nghị của Hiệp hội Dệt may VN, Nhà nước cần nghiên cứu giảm tỷ lệ đóng các khoản bảo hiểm như mức trước năm 2010. Theo đó, người sử dụng lao động chỉ phải đóng 19% (15% BH hưu trí, 3% BH y tế và 1% BH thất nghiệp) còn người lao động đóng 7% (5% BH hưu trí, 1% BH y tế và 1% BH thất nghiệp). Với mức đóng trên tổng thu nhập thì vẫn cao hơn 32,5% lương cơ bản. Tuy nhiên, DN vẫn còn có sức để chịu đựng được.

Ngoài ra, các DN dệt may hiện nay đang bị vướng vào một gánh nặng thủ tục không cần thiết. Theo phản ánh của nhiêu DN, hiện nay, người lao động tự ý bỏ việc khá nhiều, nhất là lao động phổ thông. Đặc biệt, sau khi bỏ việc, đa số người lao động không quay lại DN để tham dự buổi họp hội đồng xử lý kỷ luật sa thải.

Trong khi, quy trình xử lý kỷ luật theo luật lại rất phức tạp, kéo dài (sau 3 lần gửi thư mời người lao động đến để xử lý kỷ luật mất 3-4 tuần, nếu người lao động không đến mới xử lý sa thải vắng mặt). Quy định như vậy đôi khi mang tính hình thức, DN buộc phải thực hiện nếu không sẽ vi phạm pháp luật.

Theo Khoản 3, Điều 126, Bộ luật Lao động quy định: “Người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong 1 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 1 năm mà không có lý do chính đáng” thì người sử dụng lao động được áp dụng hình thức xử lý kỷ luật lao động sa thải. Hiệp hội đề nghị, Bộ luật bổ sung quy định “người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày liên tục không có lý do chính đáng thì người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”.

Một quy định mà hiện cũng không có tính khả thi đó là Điều 152 Bô luật Lao động quy định về khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng 1 lần. Quy định này được các DN trong nhiều lĩnh vực cho rằng không cần thiết. Đặc biệt, đối với các DN như dệt may có hàng ngàn công nhân là khó thực hiện. Hiệp hội Dệt May VN kiến nghị, quy định thời gian khám sức khỏe định kỳ là 1 năm 1 lần như cũ là hợp lý.

Ông Vũ Huy Đông - GĐ Công ty CP DAMSAN: Cơ cấu lại ngành bảo hiểm

Việt Nam có hai lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh đó là môi trường đầu tư và giá nhân công. Tuy nhiên vấn đề về giá nhân công Việt Nam đang dần mất đi ưu thế bởi việc tăng lương tối thiểu vùng quá cao dẫn đến các nhà đầu tư, các đơn hàng dần chuyển sang các nước khác. Một minh chứng hiện hữu ảnh hưởng rõ nét nhất là năm 2016 các đơn hàng của các DN dệt may Việt Nam đã giảm hẳn so với năm 2015, các đơn hàng chuyển sang các nước có giá nhân công rẻ hơn như Bangladesh và Pa-kí-xtan…

Ngoài ra, việc tăng lương tối thiểu vùng đã khiến các DN dệt may với đặc thù có số lượng lao động “khủng” nên phải gồng mình để đóng một khoản tiền bảo hiểm lớn hơn nhiều so với trước mặc dù hiện nay số tiền bảo hiểm DN Việt Nam đang ở vị trí số 1 khu vực ASEAN (khoảng 32,5% mức lương tháng).

Một yếu tố nữa là lương của cán bộ bảo hiểm cao, quản lý yếu dẫn tới nguồn thu bảo hiểm lúc nào cũng thiếu. Chính vì vậy, nhà nước cần có chính sách cũng như tái cơ cấu phù hợp ngành bảo hiểm cho phù hợp thực tế. Đặc biệt cần có chính sách phù hợp để không mất đi lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh của Việt Nam cũng như các DN dệt may.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng Cty May Hưng Yên: Hài hòa lợi ích của DN và người lao động

Hiện DN rất khó khăn khi thực thi Bộ luật Lao động, bởi làm bất cứ việc gì cũng luôn phải tra cứu cùng lúc nhiều nghị định, thông tư. Nếu ngay từ khi ban hành có sự bao quát đầy đủ và thận trọng hơn, thì DN sẽ đỡ vất vả khi tra cứu.

Với một lao động mới tốt nghiệp đại học, mức lương áp dụng là 2,34, tính ra chưa được 3 triệu đồng/tháng, trong khi đó lao động không có trình độ khi vào DN dệt may đã áp dụng mức lương tối thiểu vùng là hơn 3,5 triệu đồng/tháng.

Trong cách tính nhu cầu tối thiểu có yếu tố nuôi một đứa con trong cả quãng đời làm việc của người lao động, trong khi việc nuôi con chỉ nên tính trong 18 năm. Hơn nữa, việc lấy tỷ lệ nuôi con bằng 0,7 lần nuôi một người lao động cũng là cách tính chưa hợp lý. Cần xem xét đến điều kiện của nền kinh tế của Việt Nam trên cơ sở nên cố gắng để hài hòa lợi ích của DN và người lao động.

 Bá Tú: (DĐDN)

News Focus
bocongthuong
Tax code: 0302456494 .
Representer  : Mr. NGUYEN NHAC SANH      Position : Director